Ngày đăng: 04:19 PM 24/10/2019 - Lượt xem: 1048
Trong đêm diễn đầu tiên, khá đông khán giả đã đội mưa đến xem và khen ngợi các nghệ sĩ vẫn giữ được giọng ca mượt mà, nhất là với 2 nghệ sĩ gạo cội tái hợp vai diễn sau 45 năm: Thanh Kim Huệ - Chí Tâm.
NSƯT Thanh Kim Huệ và NS Chí Tâm trong vở "Lan và Điệp"
NSƯT Thanh Kim Huệ (vai Lan) và NS Chí Tâm (vai Điệp) vẫn tạo được ấn tượng đẹp đối với hai vai diễn để đời mà họ từng thu âm năm 1973.
Tạc trong trí nhớ khán giả còn là sự hoài niệm về một hãng dĩa đã trên 65 năm tồn tại, nơi đã sản xuất hàng ngàn băng đĩa sân khấu cải lương với thương hiệu "Hãng dĩa Việt Nam".
Người mộ điệu cải lương vừa xem vừa ca theo những câu vọng cổ để đời mà soạn giả Loan Thảo đã sáng tác. Với họ, nội dung câu chuyện không còn xa lạ, có chăng là cảm giác nôn nao chờ đón những thần tượng một thời bước ra từ ký ức tuổi thơ, hiện diện trên sân khấu làm mê đắm lòng người
NS Hồng Nga và NS Chí Tâm (vở "Lan và Điệp")
Giọng ca của hai danh ca Thanh Kim Huệ - Chí Tâm vẫn đủ sức làm người xem say mê. Khán giả vỗ tay khen ngợi từng câu vọng cổ. Mỗi nhân vật xuất hiện đều được cổ vũ nồng nhiệt, dù có người chỉ đóng vai phụ.
NSƯT Thanh Điền, NS Hồng Đào, NS Thanh Hằng trong vở "Lan và Điệp"
Dù vậy, vở diễn thiếu bàn tay dàn dựng chuyên nghiệp nên chưa thuần nhất về mặt cảnh trí, có lúc thì ước lệ, lúc thì tả thật. Một tấm phông màn cảnh nhà quan phủ có máy hát, đồng hồ quá cỡ kích thước, khiến những hạt sạn này trở thành "phương tiện" để nghệ sĩ hài Minh Nhí ứng biến, chọc cười. Âm nhạc của vở cũng bị "băm nát", chen vào đủ tiết tấu, chẳng ăn nhập gì đến nội dung, cho thấy sự tùy tiện làm mất đi cảm xúc vở diễn.
Với khán giả yêu mến cải lương, họ cảm nhận sự thiếu nghiêm túc khi dàn dựng một vở cải lương kinh điển.
Cảnh trí vở diễn quá đơn điệu, tất cả được in trên một phông lớn khiến kích thước đồng hồ, máy hát quá cỡ
Các ca sĩ xuất hiện trong vở diễn để hát ba bài "Chuyện tình Lan và Điệp" của nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng xem ra không hiệu quả. Không thấy sự hòa quyện khiến phần ca hát này như cách phụ diễn thường thấy ở các show đại nhạc hội chen vào trước khi diễn trích đoạn cải lương.
Bất chấp vụ tranh chấp bản quyền, ca sĩ Phương Thanh vẫn đưa bài hát "Độ ta không độ nàng" vào cuối vở, cảnh Lan đi tu.
NS Gia Bảo và Bình Tinh với vai trò MC "đố vui trúng thưởng"
Những mối nối giữa các cảnh vẫn chưa liền lạc, dù với vị trí vừa làm bầu vừa làm đạo diễn, Gia Bảo đã muốn tung mẻ lưới để "vớt" thêm hào quang cho bản thân. Tuy nhiên, anh đã không làm tốt vai trò dàn dựng, khiến vở diễn luộm thuộm.
Thương hiệu "Tài danh đất Việt" từng ghi dấu khi danh hài Bảo Quốc về nước, ủng hộ cháu nội (diễn viên Gia Bảo) làm bầu sô với hai vở: "Bên cầu dệt lụa" và "Tiếng trống Mê Linh", rồi sau đó đến "Nửa đời hương phấn". Các vở diễn kỷ niệm 64 năm thành lập đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga.
Khán giả thương mến bảng hiệu Thanh Minh, Thanh Nga vì đó là chiếc nôi đào tạo đội ngũ nghệ sĩ tài danh, "dát vàng" cho những tên tuổi mà đến ngày nay dù họ đã là nghệ sĩ cao niên, vẫn còn được kính trọng bởi tài năng và nhân cách. Thế nhưng, biến sự yêu mến đó thành nơi để tổ chức sô diễn, xem nhẹ yếu tố nghệ thuật thì đó là điều mà gia tộc Thanh Minh – Thanh Nga không hề mong muốn.
NSƯT Thanh Kim Huệ và NSƯT Trọng Phúc trong vở "Lan và Điệp"
Theo: Thanh Hiệp - nld.com.vn