Nổi bật

ĐẠO ĐỨC – SỐ 2: CÔNG BẰNG

Ngày đăng: 12:18 PM 08/12/2019 - Lượt xem: 1460

ĐẠO ĐỨC – SỐ 2: CÔNG BẰNG

Ta đã nói con người phải có đạo đức để sự tồn tại của người đó không trở thành mối đe dọa cho cộng đồng. Ta cũng nói con người cần phải có đạo đức để sự hiện diện của người đó là niềm an vui cho mọi người chung quanh.

Đạo đức có khuynh hướng công bằng. Người sống tử tế thì xứng đáng được hưởng những may mắn sung sướng. Người sống ác độc thì đáng phải chịu những bất hạnh rủi ro đau khổ.

Sự công bằng đó được biểu hiện ra nơi nhiều cấp độ. Cấp độ của loài người thì được gọi là Luật pháp. Con người tạo ra Luật pháp chính là muốn thực hiện sự công bằng của đạo đức. Ai có tội sẽ bị phạt – theo ngành Tư pháp. Còn ai có công thì sẽ được khen thưởng – theo ngành Hành pháp.

Các tôn giáo thần quyền thì sẽ bày tỏ sự công bằng dựa trên ý chí của thần thánh. Ai sống tử tế sẽ được thần thánh ban thưởng. Ai sống xấu xa sẽ bị thần thánh trừng phạt. Sự thưởng phạt của thần thánh không cụ thể như Tòa án hay Chính quyền. Sự thưởng phạt của thần thánh vô hình, nhưng cuối cùng cũng khiến cho con người khổ đau hay hạnh phúc.

Riêng có tôn giáo đưa ra Luật Nhân quả Nghiệp báo như là một quy luật tự nhiên của vũ trụ. Luật Nhân quả này cũng vô hình giống như thần thánh, và cũng sẽ âm thầm sắp xếp cuộc đời của mỗi người hết sức công bằng theo những tội phước mà người đó đã gây tạo trong quá khứ, kiếp này hoặc kiếp trước.

Những người không thích thần thánh sẽ đi tìm sự công bằng nơi Pháp luật và quyền lực chính quyền. Con người sẽ thực hiện sự thưởng phạt công bằng chứ không phải thế lực nào khác.

Những người tin vào thần thánh thì quy tất cả sự công bằng vào bàn tay của thần thánh. Đôi khi họ tin thần thánh sẽ bỏ qua sự công bằng nếu họ cầu xin tha thiết. Dù họ chưa xứng đáng, nhưng họ cầu xin quá sức, thần thánh sẽ đáp ứng.

Còn những người tin vào Luật Nhân quả thì cố gắng hiểu sự vận hành của Luật Nhân quả để gieo nhân và gặt quả. Họ muốn khỏe mạnh thì họ phải làm điều thiện nào, đem sức lao động giúp đời thế nào. Nếu họ muốn giàu sang thì họ phải chia sẻ tài sản vói những đối tượng sống có ích, đừng hỗ trợ kẻ sống gây họa. Luật Nhân quả thì phức tạp như một môn toán học cao siêu nên thách thức những ai có trí tuệ.

Ưu điểm của Luật Nhân quả là nó có tính khách quan, không lệ thuộc vào ý chí chủ quan của con người, cũng không lệ thuộc vào niềm tin thần thánh. Trong tương lai, khi xã hội tiến bộ, những người thuộc đẳng cấp cao sẽ chọn Luật Nhân quả làm cơ sở để xây dựng hệ thống đạo đức thông minh cho mình. Ai tin hiểu Luật Nhân quả sẽ được quần chúng yêu mến.

Nguồn : https://suphu.org

Facebook