Ngày đăng: 01:12 PM 22/03/2018 - Lượt xem: 1964
Cơm già Tam Kỳ
Bất cứ ai ghé qua Tam Kỳ đều không thể bỏ qua được món cơm gà. Món ăn được chế biến và trình bày từ cơm và thịt. Cơm có thể dùng là cơm trắng hoặc cơm chiên, cơm rang và thịt gà được trình bày thông thường là đùi gà hay cánh gà. Món cơm gà tương đối dễ làm và phổ biến. Tuy nhiên với sự khéo léo và nghệ thuật ẩm thực nơi đây đã chế biến ra món cơm gà mặn mà, đằm đặm, cay cay rất riêng của miền xứ Quảng mà du khách nào đã thử cũng đều tấm tắc khen ngon. Và để chế biến món cơm gà vùng Tam Kỳ, người làm phải đích thân chọn những con gà ta được chăn thả gà tại Tam Kỳ, chỉ loại gà này thịt mới mềm, thơm và béo.
Mì Quảng
Ở miền Trung có “ngũ Quảng” nhưng món mì lại định danh riêng cho xứ Quảng Nam. Món dân dã ấy đã “vinh dự” được xếp vào 12 món ăn Việt Nam được công nhận giá trị ẩm thực châu Á.
Nếu ai một lần đến với Quảng Nam hẳn không thể nào quên được món ăn Mì Quảng rất dân dã và bình dị nhưng nay trở thành đặc sản Quảng Nam. Từ miền quê đến thành phố, chỗ nào chúng ta cũng có thế tìm đuợc 1 quán mì quảng. Tuy vậy, mì Quảng ở đâu cũng giữ được những nét rất đặc trưng; ngon miệng, hấp dẫn mà đằm thắm và gần gũi.
Được chế biến từ gạo tuy nhiên hương vị và sắc thái lại có nét riêng biệt. Mì được làm từ lá bánh tráng thái thành sợi. Nhân mì thì khá đa dạng thường được chế biến từ nhiều nguyên liệu khác nhau: thịt gà, thịt heo, thịt bò, tôm, cua, cá….
Ăn mì Quảng không thể thiếu rau sống. Mà rau sống để ăn cùng mì Quảng cũng phải được chuẩn bị cầu kì không kém. Nếu như với những món ăn bình thường khác chỉ cần một dĩa rau với ít cọng bạc hà, xà lách để ăn kèm thì rau sống cho món ăn này cần tới 9 loại: bắp chuối, rau muống chẻ, giá, cải cay…Cũng có lẽ vì thế mà mì Quảng ăn không bị ngán hay cảm giác khô dù ít nước dùng. Một đĩa rau sống đủ loại, tươi non mát mắt góp phần không nhỏ làm nên vị ngon cho bát mì.
Cao Lầu Hội An
Cái tên Cao Lầu thực chất là một món mì nổi tiếng tại Hội An. Món ăn này được xem là một món trộn, chỉ xuất hiện ở Hội An, Đà Nẵng và Huế. Dù có một vài nét tương đồng với mì quảng, cao lầu lại là một món ăn được chế biến công phu hơn rất nhiều. Một bát cao lầu đầy đủ gồm có sợi mì tươi, một ít sợi mì khô chiên giòn, thịt lợn thái lát và ít nước dùng. Nước dùng của cao lầu chính là nước tiết ra từ thịt lợn tẩm ướp gia vị, đun trên bếp, nước dùng có vị hơi ngọt, đậm đà và thơm ngon. Không như những món ăn của miền Trung khi ăn kèm với rất nhiều loại rau, đĩa rau sống của cao lầu đơn giản với cải non và rau đắng.
Xí Mà Hội An
Ở Hội An, người dân nơi đây không ai còn xa lạ với món “xí mà” (hay còn gọi là chè mè đen), một món ăn ngon của phố cổ bạn không nên bỏ qua. Loại chè sền sệt với mùi thơm nhẹ nhàng đặc trưng của mè đen hòa quyện với các loại lá cây dược liệu. Không những thế, xí mà còn được xem là bài thuốc tự nhiên, rất tốt cho hệ tiêu hóa.
Xí mà được đựng trong những chiếc chén nhỏ xíu mà cũng chỉ múc lưng lưng để khi ăn đỡ ngán. Múc một thìa nhỏ trong chén xí mà nóng hổi rồi tận hưởng vị ngọt ngào thấm dần nơi đầu lưỡi là cảm giác không gì có thể tuyệt vời hơn.
Bánh đậu xanh mặn (nhân thịt)
Bánh đậu xanh nhân thịt là bánh đặc sản nổi tiếng của phố cổ Hội An, là loại bánh đậu xanh khô có nhân thịt. Cũng là đậu xanh, đường, mỡ heo nhưng chiếc bánh ở Hội An có hương vị và cách trình bày riêng, không giống ở các nơi khác. Những chiếc bánh đậu xanh ở Hội An có dáng tròn, lớn vừa phải để có thể vừa cầm vừa ăn. Bánh đậu xanh khô vừa cứng, vừa giòn. Nghề làm bánh đậu xanh ở Hội An có từ lâu đời, trước thế kỉ thứ 18. Loại bánh này đã từng được cư dân dùng để tiến vua. Nối tiếp truyền thống của cha ông để lại, bằng cái tâm với nghề các hộ gia đình đã biến những chiếc bánh đậu xanh bình dị trở thành đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước.
Bê thui Cầu Mống
Cầu Mống là tên một ngôi làng nhỏ nằm ở phía Bắc đầu cầu Câu Lâu, cây cầu bắt qua sông Thu Bồn, trên tuyến quốc lộ IA thuộc địa bàn xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nổi tiếng khắp nơi nhờ món… bê thui trứ danh. Bê thui Cầu Mống là món ăn đặc sản của xứ Quảng đã nửa thế kỷ nay.
Bê đem thui ở Cầu Mống được thui từ bê 5 tháng và thui bởi loại cỏ dâu ở hai bên bờ sông Thu Bồn, nên miếng thịt càng thơm ngọt. Thịt bê thui ngon có màu đỏ hồng nhưng không sống, da vàng rộm mà không khô, không dai và không bị ám khói. Đây là điều đặc biệt của món Bê Thui Cầu Mống.
Một điểm nữa là cho món đặc sản Bê Thui Cầu Móng tại Quảng Nam càng trở nên ngon, đậm đà và thu hút hơn đó là những thứ ăn kèm với thịt bê: Nước chấm, bánh tráng lề và rau sống. Nước chấm phải được pha từ loại mắm cái thượng hạng làm từ cá cơm, cá nục đánh bắt ven biển miền Trung. Mắm cái sau khi gạn ép xác, lọc lấy nước mới cho thêm tỏi ớt, gừng xay, mè rang, chanh… vào cho vừa miệng. Rau sống là tổng hợp của các loại: tía tô, ngò thơm, xà lách, cải con, khế chua, chuối chát xắt mỏng, rau húng, rau quế, giá, và cả xoài xanh…Bánh tráng để cuốn bê thui phải là bánh tráng nhỏ, mỏng và dai được sản xuất từ trong các lò bánh danh tiếng ở Điện Bàn. Ngoài ra, một vài miếng bánh tráng nướng giòn điểm xuyến vào bữa ăn vốn là thói quen từ bao đời nay của người xứ Quảng.
Bánh Trang Thịt Heo
Đến Quảng Nam, bạn không nên bỏ lỡ món ăn nổi tiếng của vùng quê Đại Lộc – bánh tráng thịt heo. Thịt heo được luộc chín vừa phải, thái mỏng. Để cuốn thịt, bạn phải sử dụng bánh tráng có nguồn gốc từ Đại Lộc thì cuốn bánh mới dẻo ngon.
Thơm ngon của món ăn này phải nói đến sự góp phần của các loại rau sống. Nếu rau sống được ăn là của làng rau Trà Quế ở Hội An thì có lẽ ngon không gì bằng. Rau sống được chọn là cải xanh, xà lách, húng quế, diếp cá, hành lá, rau thơm, rau đắng, giá, dưa leo, chuối chát… thuộc loại tươi non và không thể thiếu bắp chuối sắc mỏng, rau muống chẻ.
Bánh dùng để cuốn thịt gồm hai loại bánh khô và bánh ướt. Bánh khô còn gọi bánh tráng lề có độ dai vừa đủ để cuốn, không mỏng như bánh đa nem của người Bắc nhưng cũng không dày như ở một số địa phương khác. Bánh ướt là loại mỳ được tráng ra nhưng ăn liền trong ngày, không phơi nắng. Và một bí quyết cuối cùng là bát mắm đậm đà của xứ Quảng. Đĩa bánh dù ngon đến mấy mà không có nước chấm hợp khẩu vị thì nhạt nhẽo vô cùng. Cũng như một số loại bánh khác, nước mắm bánh tráng cuốn thịt heo phải hội tụ ba vị chua, cay, ngọt đậm đà. Đặc biệt ớt dầm vào chén nước mắm phải là ớt xanh thì nước mắm mới thơm nồng và còn nguyên màu vàng sóng sánh. Bánh tráng cuốn thịt heo với mùi vị và cách ăn độc đáo, đặc trưng đã làm nên sự hấp dẫn riêng cho nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân xứ Quảng
Bánh Tráng Đập
Bánh tráng đập hay còn gọi là bánh tráng đập dập là món ăn dân dã, rẻ tiền mà người con xứ Quảng nào cũng biết và ưa thích.
Bánh đập gồm hai lớp: Lớp ngoài là bánh tráng giòn và phần trong là bánh ướt dẻo. Bánh tráng ngoài được nướng vàng đều hai mặt trên lửa than. Phần bánh ướt mềm và dẻo, được kẹp giữa hai lớp bánh tráng giòn. Khi ăn, bạn ép sao cho các lớp bánh dính vào nhau rồi ăn kèm với mắm nêm.
Tại sao có tên là bánh đập, đơn giản thôi, bởi vì bánh này trước khi ăn phải đập. Không phải đánh đập gì mà là dùng tay đập lên 2 thứ bánh tráng nướng và lá mì này. Phần bánh tráng nướng khi đập nhẹ lên sẽ vỡ ra và dính vào lá mì ướt… thế là bẻ miếng bánh khoảng 2 ngón tay, chấm mắm đưa vào miệng nhai vừa dòn, vừa dẻo, vừa thơm. Mắm nêm ngon là phải kèm hành phi giòn cùng một ít dứa và dầu ăn. Vỏ bánh giòn tan, ăn kèm lớp bánh ướt mềm rồi chấm với mắm nêm. Vị thanh dân dã của bánh tráng và vị mặn đậm đà của mắm nêm rất hợp nhau.