Ngày đăng: 01:12 PM 22/03/2018 - Lượt xem: 1728
1.Trà Thái Nguyên
Đặc sản hàng đầu của Thái Nguyên phải nói ngay đến là trà, bởi nước trà Thái đượm đà vị chát dịu, để lại dư vị ngọt ngào và thoảng hương thơm mùi cốm, khiến cho ai mới nhấp môi cũng sẽ còn nhớ mãi.
Nhà thơ Dương Thuấn cũng đã phải thốt lên trong bài thơ Trà Thái Nguyên:
“Trà Nhật, trà Tầu, trà năm châu bốn bể
Uống bao thứ trà của nghìn muôn sứ sở
Chẳng đâu ngon thơm như trà Thái Nguyên”
Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp, nên đâu đâu trên miền đất Thái Nguyên cây chè cũng được phát triển tốt tươi, đã có những vùng chè nổi tiếng như chè La Bằng (Đại Từ); chè Khe Cốc (Phú Lương); chè Trại Cài (Đồng Hỷ) nhưng nổi tiếng hơn cả là chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Quả thật chè Tân Cương Thái Nguyên đã sánh ngang được với trà Atxam nổi tiếng của Ấn Độ hay trà đặc sản Long Tỉnh của Trung Quốc. Du khách qua đây đều nói “Đến Thái Nguyên mà chưa được thưởng thức một chén trà Tân Cương vào buổi sớm mai, hay chưa mua được vài lạng chè móc câu xao suốt mang về thì chưa thể gọi là đã đến Thái Nguyên”!...
2.Xôi thập cẩm
Cũng giống như nhiều dân tộc khác, thường ngày, người Dao ở Thái Nguyên ăn cơm tẻ, những lúc gia đình có công việc: Lễ tết, vào nhà mới, nhờ anh em cấy giúp hoặc vào vụ thu hoạch lúa, ngô người Dao thường sử dụng xôi. Món xôi của người Dao được nấu khá cầu kỳ. Ngoài xôi trắng, người Dao còn sử dụng các loại lá cây để đồ xôi nhiều màu hay còn gọi là xôi thập cẩm.
Gạo để đồ xôi phải là thứ gạo do chính gia đình trồng trên nương và đều hạt, được nhặt hết sạn. Người Dao có bí quyết riêng để trong quá trình ngâm gạo ngấm đều nước màu, khi nấu thành xôi màu sắc không quá sẫm hoặc không quá nhạt. Khi gạo ráo, đem gạo đã ngâm đổ vào chõ, lần lượt theo từng loại màu riêng biệt với quy tắc: gạo màu sẫm nhất ở phía dưới cùng, gạo trắng xếp trên cùng. Khi chõ xôi chín người ta dỡ lần lượt từng lớp xôi màu ra một chiếc rá to, sau đó trộn lẫn các màu với nhau để thành món xôi thập cẩm.
3.Bánh chưng Bờ Đậu
Không chỉ là vùng đất nổi tiếng với chè thơm ngon, đậm đà, Thái Nguyên còn có rất nhiều nét đặc sắc và phong phú trong văn hóa ẩm thực mà một trong số những sản phẩm tiêu biểu là bánh chưng Bờ Đậu.
Bờ Đậu thuộc xã Sơn Cẩm và Cổ Lũng của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, từ lâu nay có nghề làm bánh chưng rất ngon. Bánh được làm từ loại gạo nếp ngon vùng Định Hóa, chín rền trên bếp nhỏ lửa có màu xanh và mùi thơm hấp dẫn. Bánh chưng Bờ Đậu ngon và được nhiều người ưa chuộng là nhờ vào bí quyết riêng của người dân nơi đây, được giữ kín và lưu truyền từ đời này sang đời khác với mỗi người trong gia đình.
Bánh chưng Bờ Đậu ngon đến mức có người đã nói rằng, nếu đến Thái Nguyên mà chưa ăn bánh chưng Bờ Đậu thì coi như chưa biết gì về Thái Nguyên và những nét đặc sắc của vùng đất này.
4.Cơm lam Định Hóa
Cơm lam là một món ăn giản dị của người dân Định Hóa, giản dị bởi nó gắn với những con suối nơi đầu nguồn và nương lúa bên sườn đồi, những vạt rừng tre nứa xanh ngút của đất ATK một thủa nhưng khiến du khách khó quên nếu có dịp thưởng thức.
Muốn có cơm lam ngon, đầu tiên phải có loại nếp ngon, ấy là thứ nếp cái hoa vàng trồng trên nương, hàng năm thu hoạch vào khoảng tháng 9, tháng 10.
Cơm lam ăn với muối vừng vừa dân dã vừa mộc mạc, vừa đậm đà khó quên.
5.Bánh cooc mò
Cooc mò có nghĩa là sừng bò, cái tên lạ lùng bắt nguồn từ hình dáng đặc biệt, có chóp nhọn giống như chiếc sừng bò. Bánh là đặc sản, món truyền thống không thể thiếu trong dịp đầy tháng, thôi nôi của người Tày vùng Võ Nhai, Thái Nguyên.
Nguyên liệu để làm cooc mò gồm lá dong, gạo nếp, lạc và một chút lạt mềm. Làm bánh cooc mò khá đơn giản so với những loại bánh khác song lại đòi hỏi sự cẩn trọng đặc biệt trong công đoạn buộc lạt. Nếu lỏng tay, bánh dễ bị nhiễm nước, trở nên nhão, nhạt, không ngon trong khi buộc chặt hạt nếp khó có thể nở, bánh bị sần, không dẻo và mất đi mùi thơm đặc trưng. Điều đặc biệt của cooc mò là không nhân nhưng càng nhai càng dễ cảm nhận vị thơm, béo, dẻo trong từng hạt nếp.
6.Măng đắng ngàn me
Người dân TP. Thái Nguyên thường gọi món măng này là măng Ngàn Me bởi nó được lấy từ rừng Ngàn Me về. Măng đắng được bày bán khá nhiều ở chợ Chùa Hang, Đồng Hỷ và dọc Quốc lộ 1B đoạn qua cầu Gia Bẩy.
Không giống các loại măng khác, măng đắng ngàn me chỉ nhỏ cỡ bằng ngón tay người lớn.
Cách chế biến đơn giản nhất là luộc măng chấm với muối ớt hoặc mắm tôm chanh. Nếu không muốn ăn luộc có thể chế biến măng thành nhiều món: xào, nấu canh… mỗi món ăn lại có một vị hấp dẫn riêng.
7.Trám đen Hà Châu
Trong các sản vật thiên nhiên ban tặng cho người dân Phú Bình thì trám đen một trong những đặc sản nổi tiếng. Quả trám hình thoi, khi chín có màu đen, cùi trám vàng, nhân bên trong hạt trắng ngần. Theo người dân nơi đây, từ khi trồng trám đến khi cây cho quả phải mất 7 - 8 năm và trong mười cây trám giống thì chỉ có khoảng 3 – 4 cây là trám cái, còn lại là trám đực không có quả.
Người ta có thể dùng trám để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như xôi trám, trám kho thịt, cá, gỏi trám và đặc biệt là món nham trám đã trở thành đặc sản nổi tiếng, chỉ ăn một lần là nhớ mãi không thôi.
8.Bánh ngải
Tết Thanh minh, rằm tháng 7 nếu có dịp lên Thái Nguyên vào vùng đồng bào dân tộc Tày sinh sống (Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai), bạn sẽ được thưởng thức món bánh ngải đặc sản và dân dã này. Bánh ngải dễ ăn, mát và không ngấy. Vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường, miếng bánh có sự tươi non của đồi nương, cái hoang dã của lá rừng như gói cả mùa xuân trong mát. Nem chua Đại Từ Nhắc đến nem chua, nhiều người chỉ thường nghĩ đến Thanh Hóa hay nem chua làng Vẽ (Hà Nội ), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) , Đông Ba (Huế)… mà ít ai biết trên đất Thái Nguyên cũng có một vùng làm nem chua ngon không kém, đó là Đại Từ. Tuy nhiên không phải ở xã nào của Đại Từ cũng có mà nem chua chỉ có ở 3 xã: Văn Yên, Ký Phú và Yên Mỹ. Không giống với các loại nem chua khác có thể bóc ra là ăn được ngay, nem chua Đại Từ cần có một thao tác nhỏ nữa là nướng bằng than củi hoặc cho vào nướng trong lò vi sóng hoặc lăn qua chảo mới có thể ăn được. Với thành phần gồm có: thịt nạc mông, tỏi, rượu, hạt tiêu, thính và lá ổi, mỗi chiếc nem được gói cẩn thận bằng lá chuối và có thể được đến vài ngày.
9.Tôm cuốn Thừa Lâm
Bên cạnh những món ăn truyền thống như bánh chưng, dưa hành, dân làng Thừa Lâm của tỉnh Thái Nguyên còn có tục lệ gói tôm cuốn để dâng lễ ở đình làng vào những dịp lễ tết. Đây là món ăn dân dã mà độc đáo, đậm đà hương vị làng quê.
Để làm món tôm cuốn, phải có các nguyên liệu tôm tươi (tượng trưng cho thuỷ hải sản) nhặt rửa sạch rồi xâu vào que tăm để đến khi rán tôm không bị cong. Trứng gà rán (tượng trưng cho loài chim), giò nạc và thịt mỡ lợn luộc rồi thái chỉ dài chừng 5-6 cm. Củ hành chần qua nước sôi rồi kẹp cùng con tôm rán, ít giò nạc, trứng rán, thịt mỡ luộc và dùng dọc hành cuộn lại như hình bó mạ. Khi ăn có thể thêm gia vị, nước mắm, ớt, hạt tiêu...
10.Đậu phụ Bình Long
Người Bình Long có bí quyết làm đậu phụ riêng mà không nơi nào có được. Điểm đặc biệt của đậu phụ Bình Long đó là hình dáng bìa đậu. Có lẽ bạn đã quá quen với miếng đậu be bé mà bạn có thể mua được dễ dàng ở chợ. Nhưng khi nhìn thấy đậu phụ Bình Long bạn sẽ phải hoảng hốt về kích thước của chúng. Đậu phụ ở đây người dân bán theo kg (trung bình là 20.000/kg) Đậu phụ nóng hổi và có thể ăn ngay được. Bìa đậu phụ to bản, không quá cứng mà cũng không quá mềm, khi ăn bạn sẽ cảm thấy vị béo ngậy và hương thơm thoảng thoảng. Sẽ rất tuyệt vời nếu bạn ăn ngay và chấm cùng mắm tôm hoặc nước mắm ớt.