Nổi bật

“Hai vợ chồng ở Hà Lan nuôi 230.000 con gà nhưng ở ta thì phải 30 người”

Ngày đăng: 10:10 AM 14/11/2017 - Lượt xem: 1886

“Hai vợ chồng ở Hà Lan nuôi 230.000 con gà nhưng ở ta thì phải 30 người”

 

“Tại các trang trại ở châu Âu, cụ thể như Hà Lan, người ta làm rất khoa học, nghiêm ngặt và đào tạo kiến thức cho nông dân rất nhiều. Nên nông dân họ làm đúng hướng. Trang trại làm bài bản, quy củ.

 

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ tại hội thảo tại Hội DNHVNCLC ở TP HCM ngày 9/11.

 

Nuôi gà 25 năm nay nhìn lại giờ chỉ là con số 0

Ông Ngọc cho biết, đi tham quan các trang trại ở châu Âu, cụ thể là Hà Lan, người ta làm rất khoa học, nghiêm ngặt và đào tạo kiến thức cho nông dân rất nhiều. Nên nông dân họ làm đúng hướng. Trang trại làm bài bản, quy củ.

 

 

Các nước có quy chuẩn về chăn nuôi và áp dụng triệt để, các trang trại cách nhau ít nhất 500 m (dưới 100 ngàn con), còn (trên 200 ngàn con) phải là trên 1km, làm như thế mùi, không khí ô nhiễm... sẽ không lây từ chuồng nọ sang chuồng kia.

Vậy nên, ở Hà Lan, một cặp vợ chồng có thể nuôi được 230.000 con gà nhưng ở ta phải 30 người, ông Ngọc cho hay.

Việt Nam thì làm ngược lại, chăn nuôi đưa vào khu công nghiệp, khu tập trung dày đặc nên rất bất cập. Chuồng nuôi nằm sát nhau, gió thổi từ chuồng này qua chuồng kia nên khi bị bệnh như viêm phổi… và phải uống thuốc.

 

“Nuôi gà 25 năm nay nhìn lại giờ chỉ là con số 0, giống như việc mình đang ở nhà truyền thống bây giờ nói phải làm khách sạn nên phải phá nhà đó đi làm lại. Chăn nuôi của nước ta giống như thế, làm theo kiểu tự phát, nhà nhà người người làm theo kinh nghiệm chứ không có bức tranh chung. Bao năm nay chúng ta làm không đúng, giờ phải có tiêu chuẩn quốc tế mới làm được thực phẩm sạch”, ông Ngọc nói.

Theo ông, phải có quy hoạch ban đầu về các trang trại theo tiêu chuẩn quốc tế, nhìn vào các vấn đề hiện hữu của ngành chăn nuôi hiện nay thì rất khó.

Theo ông Ngọc, ngành chăn nuôi Việt Nam muốn làm tốt cần liên kết 4 khâu: Con giống, thức ăn, trang trại, nhà máy giết mổ, và tất cả phải theo tiêu chuẩn GlobalGAP, như thế ra thị trường mới có thịt sạch theo tiêu chuẩn quốc tế…

 

4 yếu tố quan trọng trong chăn nuôi

Trong khi đó, với tư cách là giám đốc điều hành tổ chức tiêu chuẩn GMP+ International, ông Johan Den Hartog, chia sẻ tại sự kiện, chuỗi an toàn thức ăn chăn nuôi nằm ở hai khâu là nguyên liệu và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Hai khâu này liên hệ trực tiếp đến tiêu chuẩn GMP+, các mắt xích tiếp theo là các nhà vận chuyển, buôn bán… được hưởng lợi từ hai khâu trên.

 

 

Theo vị đại diện của GMP+ International, có 4 yếu tố quan trọng để chuyển đổi sản phẩm thành chứng nhận an toàn.

  • Thứ nhất, phải rõ ràng, minh bạch để xây dựng niềm tin và thương hiệu tin cậy.
  • Thứ hai, cần thêm nhiều giá trị cao, khác biệt cho sản phẩm.
  • Thứ ba, có yếu tố bất ngờ trong sản phẩm để có chất lượng, chỗ đứng trên thị trường.
  • Thứ tư, cần áp dụng hệ thống quản lý an toàn.

Ông Johan Den Hartog cho hay, nếu không kiểm soát được chuỗi cung ứng thì mối nguy sẽ đi xuống tận những mắt xích cuối.

Hiện nay, tổ chức GMP+ coi việc thẩm tra là một trong những nội dung để kiểm soát nhiễm chéo và mối nguy. Ngoài ra, hệ thống cảnh báo sớm để nhìn trước những vấn đề có thể xảy ra để đưa ra phương án tốt nhất, có biện pháp sửa chữa và phòng tránh trong tương lai cũng được xem là quan trọng.

Thế Trần

Theo Trí Thức Trẻ

Facebook