Nổi bật

Cuộc Chiến Phi Nghĩa Của Trung Quốc Năm 1979

Ngày đăng: 02:52 PM 09/03/2019 - Lượt xem: 2091

Ga Hàng Cỏ tháng 2/1979, những đoàn tàu chật cứng bộ đội từ các tỉnh phía Nam tấp nập đỗ, rồi lại hối hả chạy về hướng bắc. Bùi Ngọc Thắng năm đó 19 tuổi, có mặt trong đoàn quân lên Lạng Sơn. Trước đó ông đang đóng quân ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa) thì nghe tin Trung Quốc đánh biên giới.

Trên sân ga, người dân vây quanh những binh sĩ vừa từ biên giới về để hỏi han tình hình chiến sự. "Trên đấy đánh nhau to", một thương binh vừa nói vừa hua hua cánh tay mô tả với mọi người.

Ông Thắng nhớ mãi một bác gái bưng thúng đồ đứng gần đoàn tàu, mắt cứ dõi theo từng tốp lính. Tàu chuyển bánh, cả đơn vị thò đầu ra cửa sổ hét "Mẹ ơi chúng con lên biên giới đây". Người phụ nữ buông rơi thúng đồ trên tay, đứng khóc.

 

Trên đường hành quân lên Lạng Sơn, thấy những chuyến xe chở thương binh băng bó ngược đường về Hà Nội, ông và các đồng đội còn trêu đùa rồi gọi với theo "Các ông đánh đấm kiểu gì mà chưa đánh đã băng bó thế kia!". 

Câu đùa ấy phát ra từ những thanh niên "mười chín đuôi mươi" ngang tàng và vô tư, chưa một lần nhìn thấy quân thù. 

Tàu chạy qua Bắc Ninh, ông Thắng nhớ hình ảnh lực lượng bộ đội hùng hậu chốt giữ tại phòng tuyến Đáp Cầu trên sông Như Nguyệt. Mãi sau này ông mới biết lực lượng đó được chuẩn bị cho trường hợp quân Trung Quốc phá cửa ngõ Lạng Sơn và tiến xuống thủ đô.

Thắng nhìn lại đơn vị của mình. Hồi huấn luyện tân binh ở Bỉm Sơn, có những đứa "tút" về nhà chỉ vì mải chơi, nghịch ngợm. Nhưng hôm nay tất cả đều đã ngồi đây, trên chuyến tàu ngược lên biên giới. Từ lúc nghe đến việc đánh trả đối phương, quân số đơn vị không thiếu một ai.

"Thắng! Mày lắp đạn vào súng chưa?", chỉ huy của chàng lính trẻ hỏi khi tàu sắp dừng ở ga Đồng Mỏ (cách thị xã Lạng Sơn gần 40 km). "Em chưa", ông Thắng hồn nhiên đáp. "Bây giờ chưa lắp thì bao giờ mới lắp nữa!", vị chỉ huy phải thét lên để át những tiếng đạn nổ đì đùng từ hướng thị xã.

 

 

Đêm 16 rạng sáng 17/2/1979, tiếng đại bác từ bên kia biên giới đồng loạt nổ vang rền, đạn pháo trùm lên các chốt biên phòng và các thị xã dọc tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. "Trung Quốc đánh rồi" - tiếng kẻng báo động liên hồi trong các đơn vị vũ trang.

Người già, trẻ nhỏ bật dậy giữa đêm, không kịp gói ghém tư trang, cứ ngược đường giặc đánh mà chạy.

600.000 quân Trung Quốc tràn qua biên giới Việt Nam suốt một dải từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trong tháng 2/1979.

 

Lúc đó một binh nhất như ông Thắng vẫn mơ hồ về chính trị quốc tế. Khi còn nhỏ, ông chỉ biết Trung Quốc là bạn của Việt Nam. Bố của ông còn được cử sang Trung Quốc học trường quân sự sau khi tham gia kháng chiến chống Pháp.

Sau này khi đơn vị tiến vào thị xã Lạng Sơn, chứng kiến cảnh hoang tàn mà quân Trung Quốc để lại, ông mới hiểu rõ sự nhẫn tâm của người láng giềng bên kia biên giới. 

Giai đoạn 1959-1969, hai cường quốc Xã hội Chủ nghĩa lúc bấy giờ là Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu nảy sinh chia rẽ và chuyển sang đối đầu gay gắt.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ấm dần lên. Tháng 2/1972, Tổng thống Mỹ Nixon tới thăm Bắc Kinh, chỉ vài tháng trước khi Mỹ đưa máy bay ném bom oanh tạc miền Bắc Việt Nam. 

 

Sự rạn nứt quan hệ của 2 đồng minh lớn đã đặt quốc gia nhỏ bé Việt Nam vào tình thế khó khăn. Sau năm 1975, quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô tiếp tục phát triển, trong khi phía Trung Quốc tăng cường khiêu khích vũ trang và liên tục xâm lấn đất đai Việt Nam - từ khoảng trên 200 vụ trong năm 1975 lên gấp chục lần chỉ sau 3 năm.

 

Tại biên giới Tây Nam Việt Nam, lực lượng Pol Pot (Nhà nước Campuchia dân chủ) liên lục xâm lấn biên giới, tàn sát người dân Việt Nam. Tháng 12/1978, Việt Nam tiến hành phản kích quân Pol Pot vào sâu biên giới Campuchia, giải phóng nước bạn vào ngày 7/1/1979.

 

 

Nhiều quốc gia ghi nhận việc Việt Nam đã giúp người dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, tuy nhiên Pol Pot là lực lượng được Trung Quốc hậu thuẫn, do đó sự kiện 7/1/1979 đã đẩy căng thẳng trong quan hệ Việt - Trung lên đỉnh điểm. 

Trong chuyến thăm Đông Nam Á tháng 12/1978, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố: "Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học". Hôm sau báo chí chính thức của Trung Quốc cắt ngắn thành "Phải dạy cho Việt Nam bài học".

 

Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc chiến tranh trên biên giới phía Bắc Việt Nam, một trong các mục tiêu rõ ràng là cứu chế độ Pol Pot, giữ Campuchia ở trong quỹ đạo của mình.

Theo các sử gia quốc tế, một lý do quan trọng khác là Trung Quốc muốn trừng phạt Việt Nam vì Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác ký kết với Liên Xô vào tháng 11/1978.

Tiến sĩ Maria Strasakova, chuyên gia lịch sử của Đại học Metropolitan Prague (Cộng hoà Czech), nhận định với Zing.vn rằng Liên Xô được Trung Quốc cùng với Mỹ coi là đối trọng lúc bấy giờ. Và hiệp ước giữa Việt Nam và Liên Xô lúc đó làm Bắc Kinh rất phật ý. Trung Quốc cũng quan ngại rằng Liên Xô sẽ từ đó đẩy sâu tầm ảnh hưởng của mình tại Đông Nam Á.

 

"Trong bối cảnh Chiến tranh lạnh còn đang diễn ra, hành động của Bắc Kinh nhận được sự đồng thuận ngầm từ các nước phương Tây, trong đó có Mỹ", bà Strasakova nói.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn âm mưu phá hoại tiềm lực quốc phòng và kinh tế của Việt Nam. Ý đồ của họ là tiêu diệt một bộ phận lực lượng vũ trang Việt Nam, nhất là khối bộ đội chủ lực, phá hoại cơ sở kinh tế, tàn sát gây tâm lý khủng khiếp trong nhân dân, hạ uy thế quân sự, chính trị của Việt Nam sau chiến thắng 30/4/1975.

 

 

 

Dải đất biên giới Việt - Trung suốt một thời gian dài chứng kiến mối quan hệ hợp tác, hữu nghị của 2 đảng, 2 nhà nước bỗng trở nên căng thẳng trong năm 1978. Trung Quốc rút chuyên gia, cắt viện trợ, trắng trợn vu cáo Việt Nam ngược đãi, khủng bố Hoa kiều, “quấy rối biên cương”.

 

 

Ông Mai Khánh Thát, nguyên Đồn trưởng đồn biên phòng Pha Long (Lào Cai) vẫn nhớ như in không khí căng thẳng ở biên giới trước khi đối phương tấn công.

"Trước khi xảy ra chiến sự, lực lượng vũ trang Trung Quốc tổ chức mật phục đón lõng, khám xét người dân đi lại dọc tuyến biên giới. Họ cũng thực hiện các cuộc tấn công nhỏ lẻ thăm dò thái độ của Việt Nam", ông Thát nói.

 

Ngoài ra, Trung Quốc thường xuyên chức cho dân binh vượt biên sang Việt Nam đốt nhà, trộm trâu bò, đốt nương ngô rồi vu là người Việt Nam ăn trộm trâu bò của Trung Quốc.

Ông Thát đại diện đồn biên phòng Pha Long cùng người dân biên giới sang đồn biên phòng Lao Kha - Trung Quốc phản đối, yêu cầu đồn Trưởng đồn Lao Kha ký kết biên bản ghi nhớ không được xâm phạm biên giới Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi ký kết biên bản ghi nhớ, mọi việc đâu lại vào đấy.

 

Cuối 1978, Trung Quốc tăng cường làm đường, xây dựng căn cứ và tập trung quân đội sát biên giới. Bất chấp nỗ lực giải quyết căng thẳng bằng con đường hòa bình của Việt Nam, Đặng Tiểu Bình vẫn quyết tâm thực hiện cuộc chiến tranh “trừng phạt Việt Nam” với luận điệu “phản kích tự vệ”.

 

Từ tháng 8/1978, phía Trung Quốc điều động lực lượng ra biên giới gồm 9 quân đoàn và 5 sư đoàn độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn bộ binh) cùng 550 xe tăng, xe bọc thép, 2.558 pháo (trong đó có 1.092 pháo xe kéo), 676 máy bay. Trên hướng biển, hàng chục tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải yểm trợ.

 

Trước diễn biến căng thẳng, lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 và người dân các tỉnh biên giới nhanh chóng chuyển địa bàn vốn là hậu phương trước đây thành tiền tuyến của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

 

 

Tháng 2 của 40 năm về trước, sương giá bao phủ đỉnh Mẫu Sơn, từng đoàn bộ đội hành quân lên biên giới trong mưa phùn gió bấc. Ngược đường họ đi là cảnh dân thường bồng bế nhau chạy giặc.

Ông Khổng Minh Quý, chiến sĩ sư đoàn 345, chốt chặn trên cao điểm phía sau thị xã Lào Cai nhớ lại: "Đêm 16, rạng sáng 17/2 nghe thấy tiếng pháo, biết Trung Quốc bắt đầu tấn công. Đến trưa 17/2 đã thấy đồng bào gồng gánh chạy từ thị xã Lao Cai về".

 

Với người cựu binh đã ngoài 60, ánh mắt của những người dân chạy giặc là thứ ám ảnh ông suốt cuộc đời. "Nhìn vào những ánh mắt ấy, chỉ muốn chạy ngược đoàn người, lao ngay về phía giặc, nhưng lúc đó không ai được bỏ chốt", ông Quý nói.

 

 

Ngày 22/2/1979, Trung Quốc chiếm thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn) và uy hiếp thị xã Lạng Sơn.

Trải qua hơn 10 ngày chiến đấu, lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 và người dân 6 tỉnh biên giới đã đánh trả quyết liệt các đợt tiến công của quân Trung Quốc. Nhiều mũi tiến công của đối phương bị bẻ gãy. Phía Việt Nam tiêu diệt nhiều sinh lực, làm chậm ý đồ đánh nhanh, chiếm nhanh của Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, do có ưu thế quân đông và nhiều vũ khí trang bị nên quân Trung Quốc đã tiến sâu vào nội địa Việt Nam trên một số hướng như Cao Bằng (từ 40 đến 50 km), Lạng Sơn, Lào Cai (từ 10 đến 15 km).

 

 

Trong 6 tỉnh biên giới phía Bắc, quy mô chiến sự lớn nhất ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai. Mỗi tỉnh phải chống đỡ cùng lúc 2 đến 3 quân đoàn chủ lực của Trung Quốc chỉ với lực lượng biên phòng, bộ đội địa phương, các đội tự vệ nhà máy, xí nghiệp và một số sư đoàn của Quân khu 1, Quân khu 2 đứng chân tại địa phương.

 

 

Trung Quốc lựa chọn thời điểm tấn công khi phần lớn quân chủ lực của Việt Nam đang dồn sức tại chiến trường Campuchia. Lực lượng của Việt Nam trong những ngày đầu chủ yếu là Công an Vũ trang (nay là bộ đội biên phòng), dân quân tự vệ tại các cơ quan xí nghiệp và bộ đội địa phương. Trong khi Trung Quốc có những đơn vị chủ lực cấp quân đoàn với xe tăng, pháo hạng nặng.

Tại nghĩa trang liệt sĩ TP Lạng Sơn bây giờ vẫn còn hàng dài những ngôi mộ dân quân tự vệ nằm cạnh nhau. Nhiều ngôi mộ cùng ghi ngày mất là 17/2/1979 với tên đơn vị là "Thị đội thị xã Lạng Sơn".

 

 

Đến ngày 5/3/1979, quân Trung Quốc đã chiếm được hầu hết thị xã trung tâm dọc tuyến biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai... Trước tình thế nguy cấp, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh Tổng động viên toàn quân, toàn dân kháng chiến.

Kể từ giờ phút đó, mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều gia nhập lực lượng vũ trang theo kế hoạch của Hội đồng Chính phủ. Cả nước huy động mọi nhân lực, vật lực, tài lực cần thiết để đảm bảo nhu cầu của cuộc kháng chiến.

Nửa sau cuộc chiến, các đơn vị chủ lực của Việt Nam từ phía Nam được điều động lên biên giới để phản kích.

 

 

Chiều 5/3/1979, sau nửa ngày chiếm đóng thị xã Lạng Sơn, Trung Quốc tuyên bố rút quân trên toàn tuyến biên giới. Đối phương tuyên bố rút quân vì đã "đạt mục tiêu đề ra".

Trên thực tế, các đơn vị chủ lực của Việt Nam đã áp sát, chuẩn bị phản kích trên toàn tuyến biên giới. Trung Quốc buộc phải rút quân để tránh đòn giáng trả của lực lượng vũ trang Việt Nam.

Sau 1 tháng chiến đấu, Việt Nam đã gây tổn thất cho 9 quân đoàn chủ lực của Trung Quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân, tiêu diệt hoặc đánh thiệt hại 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, phá hủy 550 xe quân sự, trong đó 280 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng.

 

Về phía Việt Nam, hệ thống các chốt biên phòng dọc tuyến biên giới phía Bắc bị tàn phá nặng nề, cơ sở hạ tầng tại những nơi quân Trung Quốc chiếm đóng đều bị phá hoại. Đối phương không chỉ giết hại vô số dân thường mà còn cướp bóc, đập phá nhà cửa làng mạc.

Dù tuyên bố rút quân, nhưng trên thực tế, phía Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số điểm cao thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, có nơi sâu từ 200 đến 500 mét, thường xuyên gây xung đột vũ trang.

 

Những địa danh đẫm máu như Pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn), Đồn biên phòng Pha Long (Lào Cai), Đồn biên phòng Pò Hèn (Quảng Ninh), Đồn biên phòng Ma Lù Thàng (Lai Châu), thôn Tổng Chúp (Cao Bằng)… in sâu dấu vết và ký ức về cuộc chiến.

Trong hoàn cảnh biên giới phía Bắc bị đe dọa, Việt Nam vẫn giữ lực lượng để truy quét tàn quân Pol Pot và giúp Campuchia ổn định. Mưu đồ giải cứu đồng minh Khme Đỏ của Trung Quốc bị phá sản hoàn toàn.

 

Ngoài ra, uy tín quốc tế của Trung Quốc còn chịu tổn hại nặng nề, TS Strasakova nhận định. Cuộc chiến đã để lộ những điểm yếu của quân đội Trung Quốc - nhất là trong về khâu hậu cần và thiết bị.

"Trên trường quốc tế, đặc biệt là trong mắt của các nước ASEAN, hình ảnh của Trung Quốc bị xấu đi rất nhiều, một số nước như Indonesia và Malaysia bắt đầu thiếu tin tưởng Bắc Kinh", bà Strasakova nói.

 

 

 

Biên giới Hà Giang một ngày tháng 7/1984. Trong hang Làng Lò, một hang núi nằm cách ngã 3 Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) chưa đầy 2 cây số, từng đoàn thương binh từ các cao điểm 468, 685, 1100, Cô Ích, Bốn Hầm liên tục được chuyển về.

 

Đại tá Phan Lạc Hợi, khi đó giữ chức Tiểu đoàn phó tại mặt trận Vị Xuyên, vẫn nhớ như in những âm thanh, hình ảnh trong cái hang được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến ấy. 

"Tiếng thương binh la hét khắp nơi, thân thể họ bầm dập. Không đủ thuốc tê và dụng cụ, cũng chẳng có kíp mổ đầy đủ, bác sĩ y tá chia ra mỗi người lo một ca. Họ cầm những chiếc cưa sắt và bắt đầu loại đi những phần cơ thể đã dập nát vì bom đạn trong tiếng rên la của các thương binh", ông Hợi nói.

 

Có một dòng suối chảy xuyên qua hang, bên kia bờ suối là bãi đất nhỏ nơi xác bộ đội nằm chất lên nhau sau những nỗ lực cứu chữa không thành. Với ông Hợi, đó như một phần ký ức đau đớn nhất về chiến tranh biên giới.

Thời điểm đó đã hơn 5 năm kể từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nhiều tỉnh biên giới đã im tiếng súng, nhưng giao tranh vẫn ác liệt trên mặt trận Vị Xuyên.

 

 

Giữa năm 1984, Trung Quốc lại ồ ạt đưa 500.000 quân qua biên giới tỉnh Hà Giang để chiếm đóng các cao điểm của Việt Nam như 1509, 226, 233, 685, 772, 1030, 1250… Mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang trở thành vùng chiến sự ác liệt và dai dẳng nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới.

 

Đỉnh 1509 (cách gọi đỉnh núi theo chiều cao tính từ mặt nước biển) là cao điểm quan trọng nằm trên địa phận huyện Vị Xuyên, giáp biên giới Trung Quốc. Trung đoàn 122 Sư đoàn 313 vẫn có mặt tại cao điểm này cho đến ngày 30/4/1984 thì bị quân Trung Quốc dùng số đông chiếm giữ, bộ đội Việt Nam phải lùi xuống các bình độ 1300, 1200 rồi 1100 để tiếp tục chiến đấu.

Khác với chiến sự tháng 2/1979 với mục tiêu “dạy cho Việt Nam một bài học”, cuộc chiến 1984 - 1989 cho thấy rõ mục tiêu xâm lấn lãnh thổ của đối phương. Ý đồ của Trung Quốc là đánh chiếm đến tận bờ bắc suối Thanh Thủy (một con suối thuộc huyện Vị Xuyên, cách biên giới 2 km) hòng vẽ lại bản đồ lãnh thổ, coi suối Thanh Thủy như biên giới tự nhiên.

 

Tại huyện biên giới Vị Xuyên, hai bên giành giật nhau từng điểm cao. Trong hồi ức của cựu chiến binh Hợi, ngày đẫm máu nhất là 12/7/1984. Trong trận xung phong tổng lực nhằm giành lại cao điểm 772, khoảng 1.000 bộ đội Việt Nam đã hy sinh, riêng sư đoàn 356 mất hơn 500 người. Ngày 12/7 sau này được sư đoàn 356 chọn làm ngày giỗ trận.

Sau nhiều nỗ lực đẩy quân đội Việt Nam khỏi bờ bắc suối Thanh Thủy không thành, đến năm 1989, Trung Quốc buộc phải rút quân khỏi các cao điểm ở Vị Xuyên. Kết quả đó được đánh đổi bằng 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Phía Trung Quốc cũng chịu thiệt hại không nhỏ.

 

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam bắt đầu từ năm 1979 nhưng diễn ra dai dẳng và ác liệt đến tận năm 1989 (10 năm sau).

Không riêng ở Hà Giang, tình hình dọc tuyến biên giới phía Bắc đều căng thẳng trong suốt những năm 1980. Trung Quốc duy trì những vụ pháo kích, đột kích lẻ tẻ ở vùng rừng núi biên giới. Tình hình chỉ hạ nhiệt khi 2 nước hoàn tất phân giới cắm mốc biên giới trên bộ vào năm 2009.

 

 

Theo: Ngọc Tân - Bình An

Đồ họa: Phượng Nguyễn

Nguồn News.zing.vn

Facebook